image banner
Nam Hồng mảnh đất con người

NAM HỒNG - MẢNH ĐẤT VÀ CON NGƯỜI 

Nam Hồng là một xã thuộc khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng, phía Bắc giáp xã Hồng Quang, xã Tân Thịnh; phía Nam giáp xã Nam Thanh; phía Đông giáp huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) lấy sông Hồng làm ranh giới; phía Tây giáp xã Nam Hoa và xã Nam Lợi. Diện tích 813,85 ha dân số 9,531 người, bao gồm 3 thôn làng (Bách Tính, Thứ Nhất và Liên Tỉnh)

Mảnh đất Nam Hồng được hình thành dọc theo triền đê sông Hồng. Địa hình được phân thành 2 vùng rõ rệt, vùng trũng thấp ở phía Bắc và phía Nam, vùng giữa cao chạy dọc từ Đông sang Tây, thuận tiện cho con người cư trú và trồng trọt với ưu thế của vùng đất ven biển phù sa màu mỡ nên đã cuốn hút dân cư khắp nơi về khai phá, lập làng. Do vậy, từ hàng trăm năm trước vùng đất này được các vị thuỷ tổ họ Ngô, Trần, Đặng, Nguyễn, Lưu, Tạ, Vũ, Phạm… về khai phá tạo lập làng xã. Xã có 2 tôn giáo là Phật giáo và Thiên chúa giáo, với trên 30 đền, chùa, phủ, từ đường, nhà thờ Thiên chúa giáo. Trong đó có 5 di tích được Nhà nước xếp hạng, cùng với các lễ hội truyền thống tiêu biểu như lễ hội chùa Đồng, chùa Hưng Long, chùa Na, Chùa Sen tỉnh, Chùa Mỹ Ngọ…

Vào thời Trần (thế kỷ 13) vùng đất này thuộc huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường. Trước cách mạng tháng 8 năm 1945 thôn Bách Tính thuộc tổng Cổ Nông, thôn Thứ Nhất thuộc tổng Cổ Ra, thôn Liên Tỉnh thuộc tổng Liên Tỉnh.

Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 cấp tổng bị bãi bỏ. Đến năm 1947, huyện Nam Trực thành lập 15 xã mới khi đó xã Bách Tính hợp nhất với xã Thứ Nhất thành xã Phú Thứ. Tổng Liên Tỉnh với các làng Xối Thượng, Tương Nam, Liên Bách hợp nhất thành xã Minh Viên; tháng 2 năm 1948, xã Phú Thứ và Minh Viên hợp nhất thành xã Minh Phú. Năm 1952, thực hiện Nghị quyết số 1108-TC/NQ ngày 15/10/1952 của Ủy ban hành chính kháng chiến liên khu III, tên xã đổi tên các xã của huyện Nam Trực với chữ Nam đứng đầu, xã Minh Phú đổi tên thành xã Nam Hồng. Năm 1956 xã Nam Hồng được tách thành 2 xã Nam Hồng và Nam Trung, đến ngày 01/02/1978 Nam Hồng và Nam Trung hợp nhất thành xã Nam Hồng. Xã Nam Hồng với các thôn Bách Tính, Liên Tỉnh, Thứ Nhất bắt đầu có từ đó.

 Nam Hồng nơi khởi nguồn sông Ngọc, đường Vàng được coi là đất “địa linh nhân kiệt bởi đã đóng góp nhiều nhân tài cho đất nước; thời nào cũng có những anh hùng hào kiệt “ lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa”. Bởi vậy truyền thống hiếu học, học giỏi, đỗ đạt cao tạo nên bản sắc riêng có của Nam Hồng. Thời Nho học có Tiến sĩ Ngô Trần Thực, Nguyễn Thế Trân, Quận công họ Tạ, Quận công họ Đặng, Sùng nghị Đại vương Ngô Quang Lộc… Trong thời kỳ đấu tranh cách mạng và đổi mới xây dựng đất nước có đ/c Đặng Việt Châu (nguyên phó Thủ tướng Chính phủ), Đặng Việt Lâm, Ngô Xuân Hiến, Trần Văn Rạng, Ngô Xuân Lộc (nguyên phó Thủ tướng Chính phủ). Trong nền giáo dục cách mạng Nam Hồng có hàng chục người có học hàm học vị Giáo sư, Tiến sĩ cùng với đội ngũ trí thức cả nước góp sức quan trọng vào sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước. Năm 2006, trường THCS Nam Hồng vinh dự được Nhà nước phong tặng anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.    Người dân Nam Hồng cần cù một nắng hai sương với nghề lúa nước cổ truyền từ buổi đầu khai phá bãi bồi hạ lưu sông Hồng. Biết bao thế hệ cha ông đã tạo dựng lên đồng ruộng màu mỡ bao la thẳng tắp đến tận chân trời. Người xưa đã trải qua bao vất vả khơi sông, đắp đê, đào ao, vượt thổ, chống chọi với thiên tai bão gió, lụt lội, nắng mưa, sự cần cù sáng tạo đã tạo ra xóm làng trù phú đông vui với nghề trồng lúa nước, trồng màu, chăn nuôi… tạo ra những nông sản nổi tiếng như thuốc lào Bách Tính. Những bãi đất ven sông với bao công sức mà thành bãi mía, lương dâu, vừng, lạc, đậu…

  Tiếp nối truyền thống của ông cha, dưới sự lãnh đạo của Đảng tháng 2/1948 chi bộ Đảng xã Minh Phú được thành lập do đ/c Phạm Thanh Mai làm Bí thư, đ/c Phạm Văn Quang làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến. Trải qua 15 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp nhân dân Nam Hồng tôi luyện trong gian khó, hy sinh “nếm mật, nằm gai, bền gan, vững chí, một lòng sắc son với Đảng, sớm giành chính quyền cách mạng. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, người Nam Hồng vừa xả thân ở những trận chiến khốc liệt để giải phóng quê hương vừa dốc cạn sức người, sức của chi viện cho các mặt trận. Đảng bộ và nhân dân xã Nam Hồng vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

 Trong khói lửa chiến tranh chống Mỹ, Nam Hồng luôn thực hiện “ thóc thừa cân, quân vượt mức” lớp lớp con em Nam Hồng ra trận với tinh thần “ có lệnh là đi, tư thế sẵn sàng”. Người ở lại hậu phương, tay cày, tay súng “ tất cả vì Miền Nam ruột thịt”. Hàng trăm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, thanh niên xung phong, dân quân du kích, dân công hỏa tuyến, người phục vụ kháng chiến đã hy sinh hoặc cống hiến một phần xương máu để giang sơn thu về một mối.

Trong hơn 30 năm đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Nam Hồng luôn phát huy truyền thống của ông cha, nêu cao tinh thần cách mạng, nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, phát huy thế mạnh là xã có “ địa kinh tế” hết sức thuận lợi để phát triển kinh tế, bảo tồn phát huy truyền thống văn hóa, tiếp tục giành được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh quốc phòng.

Lịch sử hình thành và phát triển mảnh đất, con người Nam Hồng là thành quả đấu tranh kiên cường mở đất và giữ đất kết tinh thành những truyền thống nổi trội như: cần cù, sáng tạo, siêng năng, quả cảm, hiếu học, năng động. Ngày nay người dân Nam Hồng dù ở bất cứ nơi đâu đều tự hào về những truyền thống của quê hương, kế thừa phát huy để chung sức, chung lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp văn minh.

                                      (Theo lịch sử Đảng bộ xã Nam Hồng)

 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Cơ quan chủ quản: Xã Nam Hồng - Nam Trực
Địa chỉ: xã Nam Hồng - huyện Nam Trực- tỉnh Nam Định
Email: xanamhong.ntc@namdinh.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang